Thu giữ 700 gói hạt hướng dương không rõ nguồn gốc, thông tin trên nhãn hàng hóa

author 13:42 21/04/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tuyên Quang vừa thu giữ 700 gói hạt hướng dương không rõ xuất xứ trên phương tiện đang lưu thông qua địa bàn.

Qua công tác nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự, Kinh tế, Ma túy - Công an huyện Hàm Yên và Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang tiến hành dừng và khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô mang biển kiểm soát 23B-003.82 đang lưu thông hướng Hà Giang đi Thành phố Tuyên Quang tại Thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên.

 Lượng lớn hạt hướng dương không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Tuyên Quang

Thực hiện khám phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện bên trong cốp xe có 700 gói hướng dương giá trị khoảng 10.000.000 đồng chứa trong 20 thùng bìa carton. Toàn bộ 700 gói hướng dương nêu trên không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa không có thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với hàng hóa.

Lái xe Đ.Q.V, sinh năm 1976, trú tại Thành phố Tuyên Quang không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến lô hàng. Tổ công tác sau đó đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hướng dương là loại hạt mang nhiều dinh dưỡng nhưng nếu ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe, đặc biệt là hạt hướng dương không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo tờ báo Rain của Nga, trong hạt hướng dương chứa chất cadmi gây phá huỷ hoạt động hệ thần kinh và thận. Ngoài ra hạt hướng dương còn phá huỷ men răng và tạo thành cao răng làm cho răng yếu và dễ mắc bệnh viêm nha chu.

Do chứa chất béo với hàm lượng khá lớn, hạt hướng dương cung cấp lượng calo đáng kể. Trong 100gr hướng dương chứa 500kilocalo, tương đương một bánh socola. Vì vậy chúng chống lại ý định ép cân, giảm trọng lượng của người béo phì, đang áp dụng chế độ ăn kiêng giảm béo. Cuối cùng hạt hướng dương ảnh hưởng xấu đến dây thanh quản, làm khản giọng, mất tiếng. Hơn nữa chúng còn gây ợ chua, ợ nóng và tăng nguy cơ viêm ruột thừa.

Trong khi đó, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm hạt hướng dương được tẩm ướp gia vị với hương vị khác nhau từ mặn, ngọt, rang bơ. Theo các chuyên gia, việc ăn nhiều loại hạt hướng dương được tẩm ướp gia vị rất có hại cho sức khoẻ. Vì trong quá trình chế biến, một lượng lớn muối, đường và các thành phần khác được thêm vào. Chúng không đơn giản làm tăng lượng calo trong cơ thể mà dễ khiến bản thân hấp thu nhiều muối, đường trong một ngày, gây ra nhiều loại bệnh tật.

Ngoài ra, khi sản xuất hạt hướng dương để giữ được độ thơm ngon, giòn lâu, nhiều nhà sản xuất đã cho thêm phèn vào sản phẩm. Trong phèn có chứa nhôm, khi vào cơ thể sẽ khó đào thải, gây ảnh hướng đến tế bào não, tế bào thần kinh, dẫn đến suy giảm trí nhớ, nghiêm trọng hơn là teo não, đãng trí, ung thư. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến gan, phổi, xương và không tốt cho phụ nữ đang mang thai.

Trước đó, Trung Quốc phát hiện ra 7 loại hạt hướng dương đã qua chế biến có chứa chất phèn nhôm và bột talc gây tổn hại cho não, các tế bào thần kinh khiến trí nhớ suy giảm. Thậm chí chất talc có trong hướng dương còn gây ung thư cho con người. Tuy rằng hiện nay ở Việt Nam chưa có thông tin cho thấy phát hiện hai chất này trong lượng hướng dương đang bán trên thị trường nhưng đối với những loại hướng dương không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, người tiêu dùng nên thận trọng.

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hạt hướng dương nên chọn các loại hạt gói trong bao bì đảm bảo vệ sinh, có màu sắc, mùi thơm tự nhiên, không bị ẩm mốc hay có vị khác lạ. Đặc biệt không nên mua hạt hướng dương không có nguồn gốc, nhãn mác bao bì. 

Quy định mới về ghi nhãn hàng hóa từ ngày 15/02/2022

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… 

Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trước đây Nghị định số 43/2017/NĐ-CP không điều chỉnh đối với hàng hóa xuất khẩu).

Đối với các loại hàng hóa đặc biệt như bất động sản; thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản)… theo quy định tại khoản 2 Điều 1 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, quy định rõ hơn về thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: (1) Tên hàng hóa; (2) tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (3) xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; (4) các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm tại Phụ lục I và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định. Nếu kích thước của hàng hóa không đủ thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi các nội dung (1), (2), (3) trên nhãn, riêng nội dung (4) được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt; hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó; hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

Đặc biệt, đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.

Thứ tư, quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa. Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước/vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Không được viết tắt tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Thứ năm, bãi bỏ và thay thế một số quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 Điều 8; điểm b khoản 2 Điều 5; một đoạn nội dung tại khoản 4 Điều 8; các Phụ lục I, IV; V tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và thay thế bằng các Phụ lục I, IV, V tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Nếu hàng hóa có nhãn đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trước ngày 15/02/2022 thì tiếp tục được lưu thông, sử dụng đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa. Nếu hàng hóa có nhãn đúng quy định mà không bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng. Nếu nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định đã sản xuất, in ấn trước ngày 15/02/2022 thì được tiếp tục sử dụng để sản xuất hàng hóa nhưng không quá 02 năm kể từ ngày 15/02/2022.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang